Sáng ngày 11/11/2020, Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về nâng cao chất lượng đào tạo giữa Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội và Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế đã được tổ chức long trọng tại Trụ sở Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội, 136 Phạm Văn Đồng.
Tham dự Lễ ký kết, về phía Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội có PGS. TS. NGƯT Phạm Ngọc Ánh – Hiệu trưởng Nhà trường; các thầy cô Lãnh đạo các Khoa: Tài chính Ngân hàng, Kế toán Kiểm toán, Quản trị kinh doanh, Luật Kinh tế; Lãnh đạo các Phòng: Quản lý Đào tạo, Quản lý Khoa học, Kế hoạch Tài chính. Về phía Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ tịch Viện; PGS. TS Nguyễn Thị Hồi – Phó Viện trưởng và Lãnh đạo các Phòng, Ban: Truyền thông, Văn phòng, Đào tạo phát triển Tài chính quản trị, Pháp chế, Công nghệ, Xúc tiến đầu tư. Lễ ký kết còn có sự hiện diện của đại diện các công ty, tập đoàn là đối tác đồng hành trong việc triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị như: DTH Group, Công ty chứng khoán Funan Hà Nội, Công ty Quản lý Quỹ, Hãng kiểm toán Calico, Công ty dịch vụ kế toán A – One, Công ty Luật Pháp Dân, Tập đoàn Đại Việt v.v…
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. NGƯT Phạm Ngọc Ánh đã giới thiệu khái quát mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội và tầm quan trọng, ý nghĩa của sự hợp tác giữa Trường và Viện Kinh tế – Pháp luật Quốc tế. Theo đó, mục tiêu cơ bản của Thỏa thuận hợp tác là tư vấn cho sinh viên trong việc hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, hỗ trợ sinh viên mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp để giúp họ trưởng thành nhanh nhất. PGS.TS nhấn mạnh: hiệu quả thiết thực của việc hợp tác sẽ góp phần khẳng định và nâng cao chất lượng đào tạo cho Nhà trường, tạo sự khác biệt để Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Nhất trí với lời phát biểu của PGS. TS. NGƯT Phạm Ngọc Ánh, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ tịch Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế khẳng định: “Với mạng lưới rộng khắp các chuyên gia và đối tác liên kết trong nhiều lĩnh vực, Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế sẽ đồng hành với Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng thực hành công việc trên thực tế cho sinh viên, tạo cơ hội để sinh viên vừa học vừa thực tập tại Viện và các đơn vị đối tác của Viện”.
Triển khai mục tiêu nêu trên, hai đơn vị bàn bạc và thống nhất cao về chương trình hoạt động, kế hoạch hợp tác cụ thể. Tại buổi Lễ, TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng khoa, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã công bố năm chuyên ngành đào tạo của Trường thuộc phạm vi hợp tác là: tài chính, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh và luật kinh tế; và ba nội dung hợp tác bao gồm: thứ nhất, tổ chức tọa đàm, trao đổi chuyên gia- sinh viên; thứ hai, tuyển chọn sinh viên giỏi để tham gia đào tạo tại các đơn vị liên kết của Viện; thứ ba, tuyển chọn sinh viên giỏi tham gia thực tập tại các đơn vị liên kết của Viện.
Tiến sĩ Đinh Ngọc Dương, Trưởng ban Đào tạo phát triển Tài chính doanh nghiệp đã giới thiệu Kế hoạch chi tiết của Chương trình hợp tác trong hai năm đầu tiên 2020 – 2021, bao gồm các hoạt động Tọa đàm về các chủ đề liên quan đến kế toán, kiểm toán, đăng ký doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, marketing; hoạt động tuyển chọn sinh viên giỏi để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại các đơn vị liên kết của Viện sẽ được thực hiện 1 tuần/1 buổi; hoạt động tuyển chọn sinh viên giỏi tham gia thực tập tại các công ty, doanh nghiệp trong mạng lưới liên kết của Viện sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 1 năm 2021. Hiểu về năng lực, nguyện vọng của mỗi bên là điều kiện cần thiết cho thành công của hợp tác. Tại buổi Lễ, các bên cũng đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về những mục tiêu, phương hướng hoạt động, cùng nhất trí hợp tác bền vững trên cơ sở thế mạnh mỗi bên để đạt hiệu quả tối ưu.
Các bên bày tỏ sự kỳ vọng Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác sẽ mở đầu cho các hoạt động thiết thực trong thời gian tới, đồng thời hy vọng có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Từ đó, cùng hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.