Chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra của ngành đào tạo Luật kinh tế

Tên ngành đào tạo: LUẬT KINH TẾ

Mã số: 7380107

Trình độ đào tạo: Đại học

Loại hình đào tạo: Chính quy

1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO (Program Objectives)

1.1. MỤC TIÊU CHUNG (Program General Objectives)

Mục tiêu của chương trình cử nhân Luật chuyên ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội là: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, thương mại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; đào tạo người học có kiến thức nền tảng về ngành luật nói chung, đồng thời có kiến thức chuyên ngành về pháp luật trong lĩnh vực thương mại nói riêng, có khả năng nghiên cứu và ứng dụng những quy định của pháp luật thương mại trong thực tiễn; cung cấp cho xã hội những con người vừa có năng lực chuyên môn cao vừa là công dân có trách nhiệm, năng động, chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng sự đa dạng, coi trọng hợp tác; có sức khỏe, kỷ luật, có khả năng sáng tạo, có ý thức phục vụ cộng đồng.

1.2. MỤC TIÊU CỤ THỂ (Program Specific Objectives)

Chương trình đào tạo Cử nhân Luật kinh tế trang bị cho sinh viên:

  • PSO1: Kiến thức nền tảng về nhà nước và pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế nói chung, các kiến thức chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh nói riêng để sinh viên có khả năng làm việc độc lập, tự chủ và sáng tạo trong các cơ quan nhà nước, các loại hình tổ chức, doanh nghiệp.
  • PSO2: Kỹ năng nghiên cứu khoa học pháp lý, thực hành nghề nghiệp để áp dụng được trong hoạt động nghề nghiệp những kiến thức chuyên sâu về pháp luật dân sự, pháp luật hợp đồng, pháp luật thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ; pháp luật doanh nghiệp; phương thức giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh; pháp luật đầu tư và cạnh tranh; pháp luật đất đai và kinh doanh bất động sản; pháp luật về thuế, về tổ chức tín dụng giúp sinh viên vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
  • PSO3: Hiểu biết cơ bản về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, kế toán, tài chính, ngân hàng làm nền tảng cho nghiên cứu, áp dụng pháp luật và mở rộng khả năng phát triển sang các ngành đào tạo khác của Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội và các trường thuộc khối ngành luật và kinh tế.
  • PSO4: Hiểu biết cơ bản về công nghệ thông tin và tiếng Anh; có khả năng sử dụng tiếng Anh, sử dụng máy tính phục vụ cho việc học tập, hành nghề, nghiên cứu và tự hoàn thiện bản thân.
  • PSO5: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng diễn đạt bằng văn bản và thuyết trình, kỹ năng đàm phán, làm việc nhóm, kỹ năng soạn thảo hợp đồng và các văn bản pháp lý phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; có kỹ năng tư duy logic, tư duy phân tích độc lập; kỹ năng phản biện.
  • PSO6: Kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; có phẩm chất chính trị, có nhân cách và kỷ cương, thượng tôn pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; có tâm huyết và sự say mê với nghề luật, có trách nhiệm xã hội.
  • PSO7: Có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

2. CHUẨN ĐẦU RA

2.1. VỀ KIẾN THỨC

2.1.1. KIẾN THỨC CHUNG

  • PLO1: Hiểu biết cơ bản về những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, về đường lối của cách mạng Việt Nam và nắm vững một số nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh; những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; hiểu biết khái quát một số chính sách về an ninh, quốc phòng của Việt Nam; nhận biết được các chính sách an ninh, quốc phòng; đạt yêu cầu trung bình trở lên trong học tập các chương trình Giáo dục quốc phòng – an ninh, Giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • PLO2: Sử dụng được các phần mềm tin học cơ bản MS Windown, MS Word, MS Excell, Powerpoint và khai thác các dịch vụ nền tảng của mạng Internet trong quá trình học tập và làm việc; có khả năng giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh trong các hoạt động ở trình độ sơ cấp, trung cấp, có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450.

2.1.2. KIẾN THỨC CƠ SỞ NGÀNH

  • PLO3: Hiểu biết những kiến thức nền tảng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, quản trị doanh nghiệp; nắm vững được một số tư tưởng, học thuyết quan trọng trong lĩnh vực kinh tế; các kiến thức nền tảng về nhà nước và pháp luật, lịch sử nhà nước và pháp luật.

2.2. KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH

  • PLO4: Hiểu, áp dụng và phân tích được những quy định, tình huống pháp luật trongcác lĩnh vực công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế; các quy định về hiến pháp, hành chính, lao động và an sinh xã hội; các quy định pháp luật về chủ thể kinh doanh, dân sự, hình sự, lao động, thương mại, đầu tư và cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, đất đai và kinh doanh bất động sản, thuế, các tổ chức tín dụng.
  • PLO5: Hiểu, phân tích, vận dụng dụng được các phương thức giải quyết và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trong dân sự, kinh doanh thương mại, khiếu nại hành chính, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự.

2.3. VỀ KỸ NĂNG

2.3.1. KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP

  • PLO6: Kỹ năng tư duy pháp lý của luật gia, kỹ năng phân tích, tổng hợp, phản biện; kỹ năng nghiên cứu khoa học pháp lý, viết bài báo nghiên cứu khoa học; kỹ năng soạn thảo các loại hợp đồng, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; kỹ năng lập luận, trình bày vấn đề pháp lý bằng cách viết và thuyết trình; kỹ năng phân tích, bình luận bản án; biết khai thác hiệu quả thông tin qua internet phục vụ công việc chuyên môn; kỹ năng phát hiện vấn đề và giải quyết được những vấn đề thực tiễn trong hoạt động nghề nghiệp.

2.3.2. KỸ NĂNG MỀM

  • PLO7: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kỹ năng tổ chức công việc.

2.3.3. KỸ NĂNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ NGOẠI NGỮ

  • PLO8: Kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT để phục vụ công việc chuyên môn hiệu quả; kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho công việc chuyên môn như: giao tiếp, đọc hiểu, soạn văn bản trả lời các yêu cầu của đối tác ở mức độ đơn giản; tìm được tài liệu sách báo tiếng Anh chuyên môn cần thiết để phục vụ cho công việc của bản thân và cho đơn vị.

2.4. VỀ THÁI ĐỘ VÀ NĂNG LỰC TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM

  • PLO9: Nhận thức được vai trò quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội; vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ, bảo vệ pháp luật; biết đánh giá, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật; biết bảo lệ lẽ phải, tính công bằng của pháp luật; rèn luyện bản thân thành người có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần hợp tác, ý thức kỷ luật; có ý thức cao về trách nhiệm công dân; tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo, khả năng làm việc độc lập; đạt yêu cầu về kết quả rèn luyện toàn khóa theo “Quy định tạm thời về đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên đại học hệ chính quy” ban hành kèm theo Quyết định số 155/QĐ-ĐHTCNH-QLĐT ngày 09/10/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.

3. VỊ TRÍ LÀM VIỆC CỦA SINH VIÊN SAU KHI TỐT NGHIỆP

Sinh viên ngành Luật Kinh tế sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu làm việc như:

  • Chuyên gia tư vấn pháp luật, cố vấn pháp luật, chuyên viên quản lý nhân sự tại doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế;
  • Luật sư, chuyên viên pháp lý tại văn phòng luật sư, công ty luật, cơ quan công chứng, các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý;
  • Thư ký, thẩm phán tại tòa án kinh tế, trọng tài thương mại;
  • Chuyên gia pháp luật, cán bộ pháp chế tại các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương (các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; các bộ, sở, phòng tư pháp, ủy ban nhân dân; cơ quan thuế, hải quan; các cơ quan thuộc viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án v.v…);
  • Cán bộ nghiên cứu pháp luật tại các viện nghiên cứu;
  • Chuyên viên tư vấn chính sách, chuyên gia pháp luật tại các NGO, các tổ chức quốc tế;
  • Giảng viên Luật Kinh tế tại các cơ sở giáo dục;
  • Tự hành nghề luật.

4. KHẢ NĂNG HỌC TẬP, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KHI RA TRƯỜNG

Sinh viên ngành Luật Kinh tế sau khi ra trường làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có khả năng tiếp tục học tập, nâng cao kiến thức dưới các hình thức:

Tham gia các chương trình đào tạo sau đại học để đạt được học vị thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;

– Tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ trong và ngoài nước;

Có khả năng rèn luyện để thi nâng ngạch chuyên môn và nhận các chứng chỉ nghề nghiệp hoặc ngạch bậc công chức, viên chức.

5. THỜI GIAN ĐÀO TẠO

Thời gian đào tạo: 4 năm, học theo tiến độ phù hợp với Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.

6. KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TOÀN KHÓA

6.1. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 134 tín chỉ

6.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo:

STT Khối kiến thức Số tín chỉ
1 KIẾN THỨC GIÁO DỤC ĐẠI CƯƠNG 43
1.1 Lý luận chính trị 11
1.2 Khoa học tự nhiên 9
1.3 Khoa học xã hội 4
1.4 Ngoại ngữ 8
1.5 Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng – an ninh 11
2 KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP 91
2.1 Kiến thức cơ sở khối ngành 8
2.2 Kiến thức cơ sở ngành 30
2.3 Kiến thức chuyên ngành 37
2.4 Kiến thức bổ trợ 6
2.5 Thực tập cuối khóa và khóa luận tốt nghiệp 10
  Tổng cộng (1+2) 134

 

7. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

Công dân Việt Nam và người nước ngoài có đủ điều kiện, có nguyện vọng được tuyển vào Trường theo Quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.

8. QUY TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP

8.1. QUY TRÌNH ĐÀO TẠO

Quy trình đào tạo được thực hiện theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội

8.2. CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Sinh viên được công nhận tốt nghiệp khi hội đủ các tiêu chuẩn theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ; Quy định thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học phần theo hệ thống tín chỉ và Quy định chuẩn đầu ra của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội

9. THANG ĐIỂM

Thang điểm 10 kết hợp với thang điểm chữ A, B, C, D, F.

10. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

11. KẾ HOẠCH GIẢNG DẠY (được chi tiết theo học kỳ)

12. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình tuân thủ chặt chẽ chương trình khung trình độ giáo dục đại học chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chương trình áp dụng theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.

Chương trình này được định kỳ xem xét, hiệu chỉnh hàng năm nhằm đáp ứng sự phát triển của chuyên ngành phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội./.

Các tin liên quan