Sự Kiện

Viện pháp luật kinh tế tham dự hội thảo tham vấn về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

Ngày 12 tháng 5 năm 2022, cán bộ giảng viên Viện Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã tham dự Hội thảo Tham vấn về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam. Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp và sự phối hợp, tài trợ của Viện Konrad Adenauer (KAS), diễn ra tại Phòng hội thảo Khách sạn Pan Pacific Hà Nội.

Chủ trì buổi hội thảo là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp và ông Florian Feyerabend, Trưởng Đại diện Văn Phòng Viện KAS tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện của các cơ quan Thanh tra, Toà án, Viện Kiểm sát, Thi hành án, cơ quan điều tra, Ngân hàng nhà nước, đại diện các Trường đại học, Liên đoàn Luật sư Việt Nam v.v…

Hình ảnh tại hội thảo

Phát biểu khai mạc chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp nói về mục đích cuộc Hội thảo là nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề pháp lý xoay quanh cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội. Việc thu hồi tài sản theo thủ tục truyền thống thông qua bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật trong các vụ án tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế hiện đang là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 40% nhưng năm 2021 chỉ đạt trên 5%. Việc thu hồi tài sản theo các phương thức truyền thống (thông qua cơ chế pháp luật hình sự và tố tụng hình sự) cũng là một thách thức ngay cả đối với các quốc gia phát triển. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã có cơ chế thu hồi tài sản theo phương thức “phi truyền thống”, tức thu hồi tài sản liên quan đến hành vi phạm tội mà không cần thông qua thủ tục kết tội. Đây là cơ chế đã được thực thi ở hơn 40 quốc gia trên thế giới và thực tiễn ở các nước này cho thấy cơ chế này mang đến nhiều lợi ích bên cạnh cơ chế thu hồi tài sản truyền thống. Tuy nhiên, để có thể áp dụng cơ chế này tại Việt Nam đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài, toàn diện cả về góc độ lý luận và thực tiễn.

Hội thảo đã có các tham luận của các đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung Ương, Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng nhà nước, Toà án nhân dân tối cao và các ý kiến thảo luận sôi nổi của nhiều đại biểu đến từ cơ quan Thanh tra, Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát địa phương, Toà án địa phương, Cục Cảnh sát điều tra v.v… Các chuyên gia trao đổi, thảo luận vấn đề dưới nhiều góc độ lý luận, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về: cách tiếp cận cơ chế dưới góc độ quá trình tố tụng đặc biệt (liên quan đến tố tụng dân sự hoặc hành chính), tập trung xử lý tài sản thay vì con người; các tiêu chuẩn chứng cứ, chứng minh; đánh giá tính khả thi của cơ chế tịch thu tài sản dưới góc độ bảo vệ quyền con người; tính khả thi của cơ chế tịch thu tài sản thông qua kiểm soát các giao dịch đáng ngờ, xác định các loại tội phạm nguồn của tội phòng chống rửa tiền; các thể chế, thiết chế, tổ chức thực hiện và nguồn lực cần thiết để cơ chế này khả thi nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay v.v…

Các giảng viên Viện Pháp luật Kinh tế – Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội tham dự hội thảo

Phát biểu của TS Nguyễn Thị Thu Vân, Viện Pháp luật Kinh tế – Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã gợi mở thêm một góc nhìn khác cần phải nghiên cứu, đó là khía cạnh minh bạch nguồn thu nhập đối với những loại tài sản kỹ thuật số (như crypto currency) – một loại tài sản kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain mà hiện nay cơ quan có thẩm quyền đang lo ngại vì nó dễ bị các tội phạm rửa tiền lợi dụng để tẩy trắng “tiền bẩn”. Tuy nhiên, khi hoạch định chính sách liên quan đến việc thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, một mặt, cần thiết lập cơ chế để thu hồi được tài sản liên quan đến hành vi rửa tiền qua các công nghệ mới; mặt khác, vì loại tài sản này là cơ hội phát triển cho các start-up Việt Nam, nên việc hoạch định chính sách phải có sự hài hoà giữa mục tiêu chống tội phạm rửa tiền nhưng không làm mất đi cơ hội cho những start-up chân chính đang bắt đầu manh nha phát triển tại Việt Nam.

Hội thảo cũng có sự tham gia của Chuyên gia Quốc tế – ông Christian Breuer, Thẩm phán Toà cấp cao Braunschweig, CHLB Đức chia sẻ kinh nghiệm về biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội trong luật pháp Đức và thảo luận cùng chuyên gia trong nước khi vận dụng cơ chế này tại Việt Nam. Hội thảo đánh giá rất cao ý kiến đóng góp của chuyên gia quốc tế và mong muốn chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tham mưu pháp lý cho các cơ quan xây dựng chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hạnh tổng kết các vấn đề đã được đưa ra trao đổi và đánh giá cao những kết quả nghiên cứu ban đầu tại hội thảo, cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để có được nghiên cứu hoàn thiện nhất về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễn

Viện Pháp luật Kinh tế – Trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội

Các tin liên quan